Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Bàn thờ cụ Lê Thước và gia đình tại TPHCM

Ảnh cụ Lê Thước và em trai

                         Cụ Lê Thước và em trai là cụ Lê Trọng Huyến, chụp tại Hà Nội 10-4-1965

Mãi mãi thương nhớ Liệt sỹ Lê Thiệu Huy

                             Thế hệ sinh viên, học sinh, trí thức những năm trước Cách mạng Tháng Tám không ai là không biết đến một người thanh niên học giỏi nổi tiếng, nhất là giỏi Toán, được các giáo sư thời bấy giờ như Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn khen ngợi là học sinh xuất sắc, đầy triển vọng, một nhà toán học Việt Nam tương lai. Đó là anh Lê Thiệu Huy.
                             Anh Lê Thiệu Huy sinh ngày 6-3-1921 tại Hà Tĩnh là con trai cả của cố giáo sư Lê Thước, nhà trí thức yêu nước tiêu biểu, nhà giáo mẫu mực, nhà nghiên cứu hán nôm uyên bác.
                             Từ hồi học ở trung học, anh Huy đã nổi tiếng học rất giỏi. Năm 1939 tại Hà Nội anh thi đậu Tú tài phần 1Toán loại xuất sắc (mention tres bien). Cùng năm ấy anh lại thi đậu Tú tài phần 1Triết loại  giỏi (mention bien). Qua năm sau 1940 anh tiếp tục thi đậu Tú tài phần 2 Toán loại xuất sắc và Tú tài phần 2 Triết loại khá (mention assez bien).Thi đậu một lúc 2 bằng Tú tài chuyên khoa khác nhau, hồi ấy chưa có học sinh nào đat được.
                            Chẵng những học giỏi mà anh Huy còn giỏi bơi lội, chơi bóng rổ, chơi cờ tướng và rất ham mê ca nhạc. Anh tự học tiếng Anh qua máy quay đĩa (bằng tay) với sách Anglais sang peine (tiếng Anh không vất vả) và một số sách học tiếng Anh khác. Nhờ vậy mà các năm 1944-1945, mặc dù đã có bằng Cử nhân Khoa học Toán-Lý-Hoá của trường Đại học Khoa học Đông Dương (Hà Nội) nhưng anh lại dạy Anh văn ở trường Trung học Huế. Sau đó anh vào học trường võ bị Thanh niên Tiền Tuyến Huế do các ông Tạ Quang Bửu và Phan Anh tổ chức. Anh Huy cũng như nhiều học viên của trường này đã tranh thủ học tập vế quân sự
với hy vọng sau này có ích cho  việc phục vụ và bảo vệ Tổ Quốc. Khi Cách Mạng Tháng Tám nổ ra tại Huế, anh Huy hăng hái gia nhập Giải phóng quân. Chính anh đã cùng một số Thanh niên Tiền Tuyến (cũng là Giải phóng quân Huế) tổ chức vây bắt một nhóm sĩ quan Pháp giả danh Phái bộ Đồng Minh nhảy dù xuống Hiền Sỹ (ở gần Huế) mưu đồ gây dựng lực lượng chiếm lại Huế.
                            Ít lâu sau, anh được điều động ra Hà Nội làm việc ở Bộ Ngoại giao lúc này do Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng. Anh được giao nhiệm vụ phiên dịch tiếng Anh trong các cuộc gặp mặt của phái đoàn Chính phủ ta với các phái bộ Mỹ, Anh.
                           Vài tháng sau, anh lại được giao nhiệm vụ vượt qua đường 9 (Nam Lào) sang Xiêm (bây giờ là Thái Lan), dùng tiếng Anh để giao dịch mua vũ khí chở về Việt Nam.
                          Nhiệm vụ hoàn thành, anh được phân công làm Tham mưu trưởng Liên quân kháng chiến Việt-Lào. Ngày 21-3-1946, quân đội thực dân Pháp được sự giup đỡ của quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa tấn công vào thị xã Thakhet. Bộ chỉ huy Liên quân Việt-Lào phải tạm rút qua sông Mê Công sang Thái Lan. Máy bay của thực dân Pháp rượt bắn, mặt khác đại liên của chúng trên bờ sông bắn đuổi theo chiếc ca-nô trong đó có Hoàng thân Su-pha-nu-vông, lãnh tụ Khang chiến Lào, anh Huy và một số bộ đội Việt-Lào. Anh Huy đã lấy thân mình che chắn cho Hoàng thân và bị trúng đạn hy sinh còn Hoàng thân chỉ bị thương nhẹ. Chính Hoàng thân đã viết thư báo tin và kể lại cho gia đình giáo sư Lê Thước vè trường hợp hy sinh anh dũng của anh Huy.
                         Ngày 5-7-1966, phần mộ của liệt sỹ Lê Thiệu Huy được chuyển vào Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của anh.
                         Chúng tôi, những bà con thân thuộc, các bạn bè quen biết và tất cả những người yêu quí, hâm mộ liệt sỹ Lê Thiệu Huy xin được bày tỏ niềm thương nhớ mãi mãi đối với anh, người thanh niên tuấn kiệt đã hiến dâng tuổi thanh xuân đầy tài năng, triển vọng của mình cho nền Độc Lập, Tự Do của Tổ Quốc Việt Nam.
                                                                   Tháng giêng năm 2011