Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Gia đình LS Lê Thiệu Huy năm 1938

                    Gia đình LS Lê Thiệu Huy năm 1938 [LS 17 tuổi]. Ảnh trên : Người ngồi chính giữa là cụ Lê Thước, bên phải là cụ Phan Thị Đích, bên trái là cụ Võ Thị Thành. Phía sau là LS Lê Thiệu Huy và các em của LS đứng vây quanh.Ảnh dưới : Phía phải ngoài cùng là LS Lê Thiệu Huy, lần lượt là các em gái Lê Thị Kim Xuyến, Lê Thị Cẩm Nhung, các em trai là Lê Minh Đăng, Lê Phi Hoàng, Lê Triều Phong, Lê Xuân Diệm và Lê Quang Bộc.

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

Bà vợ hoàng thân Xuphanuvong

                                              Bà Viêng Khăm Xuphanuvong kể về LS Lê Thiệu Huy
              ...Trước thế địch[thực dân Pháp] rất mạnh, Thà Khẹt đã thất thủ. Chủ tịch Xuphanuvong cùng lực lượng Lào Việt còn lại phải tạm thời lánh qua đất Thái Lan.Lúc vượt sông Mê công qua Thái, giặc Pháp đã tiến đến bờ sông bắn xối xả vào chiếc ca nô đưa chủ tịch Xuphanuvong rút cuối cùng. Một số anh em đã bị thương, hoàng thân cũng bị thương. Anh Lê Thiệu Huy vì lấy thân che đạn cho hoàng thân nên đã hy sinh. Lần ghé lại thành phố Hồ Chí Minh gần đây vợ chồng chúng tôi đã được thăm người yêu của anh Lê Thiệu Huy, một người phụ nữ thủy chung đang sống trong một dòng tu...
                              Báo Phụ Nữ [Cơ quan của Hôi Liên hiệp Phụ Nữ TPHCM]
                                   Sồ 81 năm XVI, Thứ Tư, ngày 5-12-1990.
                                         

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Mộ LS Lê Thiệu Huy


                                              Mộ LS Lê Thiệu Huy tại nghĩa trang LS Hà Tĩnh
                                              [Trong ảnh là gia đình bà Lê thị Kim Xuyến]

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Ảnh LS Lê Thiệu Huy

                                                                      LS Lê Thiệu Huy
                                                                         [1921-1946]
                                        Cử nhân khoa học,tham mưu trưởng Liên Quân Việt Lào

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Nhà Thờ xây sắp xong



                                           


                  Ảnh Nhà Thờ Giáo sư Lê Thước và Liệt sỹ Lê Thiệu Huy tại Trung lễ, Đức Trung, Đức Thọ, Hà Tĩnh
                                                            [ chụp tháng 9-2010 ]
                                                Nhà Thờ xây sắp xong, chưa có nội thất
                                                                                  



                                                                               

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2010

Nhà Thờ Giáo sư Lê Thước và Liệt Sỹ Lê Thiệu Huy


 
Nhà Thờ Giáo sư Lê Thước và Liệt sỹ Lê Thiệu Huy tại Trung Lễ, Đức Trung, Đức Thọ, Hà Tĩnh
                                                  [Chụp ngày khánh thành Nhà thờ 3-10-2010]

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Phố Lê Thước [ TP Thanh Hoá ]


                                                     Phố Lê Thước tại Thành Phố Thanh Hoá
       [Trong ảnh là gia đình bà Lê Thị Kim Xuyến, con gái Cụ Lê Thước, chụp tháng 6 năm 1998]

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Bức thư cuối cùng LS Lê Thiệu Huy gửi thân phụ.

                                                     Huế, 16 - 1- 1946
                                                         Bẩm Cậu,
                        Con làm ở Bộ Ngoại giao mới được hai tháng thì Bộ Quốc Phòng giao cho công việc liên lạc và tổ chức cuộc phòng thủ con đường số 9 [ Đông hà - Savannakhet ]. Vì việc khẩn cấp, con chỉ kịp ghé qua Thanh hóa có một đêm và không dừng ở Hà tĩnh, thành ra không gặp được Cậu.
                        Con ghé Huế một ngày rồi trở ra Đông hà, lên Tchepone ngay, thấy công việc hết sức lộn xộn, thiếu người chỉ huy, binh sĩ đêm gác, ngày ngủ, đau ốm rất nhiều, thiếu thốn mọi phương diện. Còn bên giặc Pháp rất có tổ chức, có sĩ quan cao cấp chỉ huy, nhiều súng đạn, nhiều lương thực, do máy bay tiếp tế. Tại Tchepone, Pháp có 12 phân đội (600 người) và định đánh thốc vào Đông Hến, Mường Phin dọc đường số 9. Về phương diện chiến lược, đường số 9 là một trong 2 con đường từ Lào xuyên vào Trung bộ; nếu không lo giúp Lào giữ vững các căn cứ như Tchepone mà chỉ giữ Lao Bảo, Khe Sanh thì quân địch tới sát bên người khi nào không hay, khó mà giữ được Đông hà, Quảng trị mà nếu Đông hà bị mất thì Trung bộ bị cắt ra làm đôi, Thừa thiên, Quảng nam, Quảng ngãi sẽ bị cô độc; muốn giữ vững Đông hà cần phải có một tiền tuyến do Liên quân Lào - Việt phòng thủ.
                        Về phương diện kinh tế, đường số 9 từng mang danh là con đường vàng [ route de l'or ]. Do con đường này, có thể mua đủ thứ ở Thái lan, từ vũ khí, vải, xăng, đến sữa, gạo v.v...Hiện nay ta chưa kiểm soát được đường số 9 nên mất mối lợi lớn, vì hàng ngày có hàng chục xe hơi Trung hoa buôn bán trên đường ấy, còn xe Việt nam thì bị Pháp bắn phá. Dọc đường số 9 chỗ nào cũng đông việt kiều cư trú. Hai thành phố lớn Savannakhet và Thakkhet gần như các thành phố Việt. Nếu mất đường số 9, hai thành phố này bị lẻ loi khó mà cầm cự được lâu, việt kiều sẽ bị mất cả tính mệnh lẫn tài sản.
                       Về phương diện ngoại giao cũng rất quan trọng. Đối với Lào mình có giữ được đường số 9 thì mới có thể thành lập Liên quân Lào - Việt. Hiện nay phần lớn trí thức Lào ở  Savannakhet và Thakkhet, nếu 2 thành phố ấy mất, bắt buộc họ sẽ phải lập Chính phủ bù nhìn thân Pháp. Két luận, phải kiềm soát đường số 9. phải hành binh gấp vì tháng 3 đã bắt đầu mùa mưa ở Lào và nếu trước tháng 3 ta chiếm được các vị trí quan trọng trên đường số 9 thì bọn Pháp sẽ bị bó tay vi mùa mưa rừng Lào không sao ở được : muỗi, sên, rắn, rết...Trái lại , nếu trước tháng 3 mà không xong, mùa mưa sẽ ngăn trở mọi cuộc hành binh. Lúc con lên Tchepone thì Pháp ở bên kia bến phà Thakhong, cách Tchepone 3km. Con cùng mấy bạn Thanh niên Tiền Tuyến tổ chức lại quân ngũ. Anh Đặng văn Việt [con ông Đặng văn Hướng] làm Tư lệnh, con làm Tham mưu trưởng.
                       Ngày 2-12-1945, quân ta đại thắng ở Keng Khang, phá tan căn cứ Pháp, bắt được súng ống, đạn dược rất nhiều. Ngày 19-12-1945, sau một cuộc hành binh táo bạo 3 ngày, trèo đèo lặn suối, 3 đại đội đã chiếm được Mường Phìn, cách Tchepone 40km về phía đông. Sau một tháng rưỡi công việc tổ chức quân sự đã hoàn bị.
                      Nay Bộ Quốc phòng lại ủy cho con sứ mệnh khác, sang Thái lan mua sắm vũ khí, nên con về Huế thu xếp và chiều nay sẽ đi. Khi nào xong công việc con sẽ ra Hà nội tường trình và nhân tiện về thăm Cậu và gia đình. Con kính chúc Cậu Mự và các em được bình an vô sự.
                                                                 Nay kính thư,
                                                          Con : Lê Thiệu Huy

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Đường Lê Thước tại TP HCM. Phường Thảo Điền Q.2


Người trong ành là ông Lê Văn (Con Cụ Lê Thước),chụp ngày 27-10-2007.


Gia đình cháu Thái Hà đến thăm con đường mang tên ông nội (mồng 3 tết canh dần,2010 )











Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

Đời chiến đấu của Liệt sỹ Lê Thiệu Huy. Phần 2.

Tham gia Tổng Khởi Nghĩa 1945 và giúp Lào đánh thực dân Pháp
                      1945 LS đang rèn luyện quân sự tại Trường Thanh niên Tiền Tuyến Huế [ do ông Tạ Quang Bửu sáng lập ] thì cuộc Tổng khởi nghĩa bùng nổ, LS cùng các học sinh của trường tham gia giành Chính quyền, đi chiếm đóng các bộ, viện v.v...
                      Ngày 29-8-1945, LS đã cùng các học sinh Tiền tuyến ra Hiền Sĩ cách Huế độ 20km vây bắt bất ngờ  6 giặc Pháp giả làm phái bộ quân Đồng Minh nhảy dù xuống đó [ xem lược thuật tại groups.google.com.vn/group/tinhlaclethuoc ].
                      Ngày 1-9-1945, LS được Chính phủ Trung ương gọi ra Hà Nội. Đến nơi LS làm việc tại Bộ Ngoại Giao lúc đó do Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm bộ trưởng. Vì giỏi tiếng Anh, LS được cử làm liên lạc viên giữa Chính phủ ta và Phái đoàn Đồng Minh.
                     Tháng 10-1945, LS được Bộ Quốc Phòng phái vào Trung Bộ tổ chức phòng thủ con đường số 9 (từ Đông Hà đi Savanakhet Lào). Thời gian này, thực dân Pháp lăm le xâm chiếm Đông Dương mà đường số 9 là nơi chúng triển khai lực lượng quân sự đầu tiên.Tại Mặt trân đường số 9,LS cùng đồng đội chiến đáu rất oanh liệt với giặc Pháp ở nhiều địa điểm như Mường Phìn, Sê Pôn. Sau đó LS cùng Hoàng thân Suphanuvong (lãnh tụ Pathet Lào) triển khai lực lương chiến đấu bảo vệ thị xã Thakkhet. Lúc này LS là Tham mưu trưởng Liên quân Việt Lào. Ngày 21-3-1946 thực dân Pháp ồ ạt tấn công Thakkhet. Quân ta đã anh dũng chống trả nhưng do lực lượng ít và trang bị kém địch nhiều nên đành tạm rút lui. Hoàng thân Suphanuvong cùng Bộ Chỉ huy mặt trận trong đó có LS đã lên ca nô vượt qua sông Mê Kong. Giữa giòng sông chảy xiết, máy bay quân Pháp rượt bắn, mặt khác đại liên của chúng trên bờ sông cũng bắn đuổi theo. LS đã lấy thân mình che chắn cho Hoàng thân và đã không may trúng đạn vào giữa bụng, hy sinh ngay trên ca nô. Thi hài LS được đồng đội chôn cất gần bờ sông Mê Kong [ Thài Lan ].

Để biết thêm thông tin về LS xin mời xem trang :
http://groups.google.com.vn/group/tinhlaclethuoc



             

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Đời chiến đấu của Liệt sỹ Lê Thiệu Huy. Phần 1.

Thời niên thiếu và học giỏi nổi tiếng toàn quốc.
              Liệt sỹ (phần sau viết tắt LS) Lê Thiệu Huy sinh ngày 6-3-1921, tại làng Trung Lễ, xã Đức Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thời niên thiếu , LS ở với mẹ tại làng quê, được bà nội quý mến, dạy bảo thành cháu ngoan ngoãn , tinh khôn. Năm 1926, lên 5 tuổi LS được ông nội dạy cho học chữ nho. Năm 1927, LS theo cha mẹ  ra Hà Nội tiếp tục học trong gia đình.Một năm sau thi vào học lớp 3 trường Tiểu học Sinh Từ gần Văn miếu (Hà Nội).
              Tháng 9-1931, LS vào học trường Trung học Anbe Xa rô, cùng học chung với các con người Pháp ở lớp 9.Sang năm học tiếp sau, vì lực học của LS hơn hẳn các bạn học cùng lớp , nên nhà trường cho LS vượt qua lớp 8 vào thẳng lớp 7( trường Pháp tính lớp 1 từ trên xuống ).Từ đó đến năm 1940, cứ mỗi nâm , LS lên một lớp và năm nào LS cũng đứng đầu lớp, được các bạn gọi là " vô địch " (champion).Với lòng tự trọng dân tộc LS đã quyết tâm học  giỏi, không để cho thầy giáo và học sinh Pháp coi thường học sinh VN.
              Tháng 6-1939, LS thi Tú tài toán học phần thứ nhất, đậu đầu, xếp hạng " ưu tú " (mention Tres bien) và đậu luôn cả Tú tài Triết học, xếp hạng " ưu "(mention Bien). Qua năm sau (1940) LS thi Tú tài phần thứ hai cũng đậu luôn cả hai ban Toán và Triết học, xếp hạng " ưu tú " và " khá "(mention assez bien). Do học giỏi nổi tiếng cả nước Chính phủ bảo hộ Pháp dã cấp học bổng cho LS du học tại Pháp. Song bấy giờ cuộc chiến tranh thế giới bùng nổ nên việc này không thực hiện được. LS ở lại trong nước tiếp tục học đai học. Năm 1941, LS vào trường Đại học Khoa học Đông Dương(Hà Nội).
              Tháng 6-1942, LS thi đậu Cử nhân Khoa học Toán học Đại cương . Tháng 6-1943, LS thi đậu Cử nhân Khoa học Vật lý và Hóa học Đại cương.
              Trong thời gian học đại học, vì sẵn lòng yêu nước,tinh thần tự trọng và tự tôn dân tộc, LS luôn luôn hướng về Phong trào yêu nước.LS đã tham gia sôi nổi phong trào dân tộc,yêu nước của sinh viên như hát các bài ca của Lưu Hữu Phước,đi xe đap từ Bắc vào Nam v.v...

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Lời bàn phần 3 Đời hoạt động của Cụ Lê Thước

                       Trở về Hà Nội năm 1954 Cụ không hoạt động chính trị nữa mà hăng say nghiên cứu văn học Hán Nôm . Đây là thế mạnh cuâ Cụ vừa có hiểu biết uyên bác vê chữ Hán và chữ Nôm lại được trang bị kiến thức Tây học, ngay từ năm 1924  Cụ đã viết và xuât bản cuốn sách Truyện Cụ Nguyễn Du, năm 1928 Cụ là tác giả cuốn sách  Sự nghiệp và Văn chương Nguyễn Công Trứ. Nay có điều kiện thuận lợi Cụ đã chuyên tâm nghiên cứu văn học cổ đại. Trong 10 năm từ 1955 đên 1965 Cụ đã xuất bản 15 công trình nghiên cứu văn học Hán Nôm [ xem Tên các sách do Cụ Lê Thước biên soạn, groups.google.com.vn/group/tinhlaclethuoc]. Cụ còn có 2 tập thơ : Tĩnh Lạc thi tập [ chưa xuất bản ]

Đời hoạt động của Cụ Lê Thước [ Phần 3 ]

Hăng say nghiên cứu văn học cổ đại
                    Từ ngày Hoà bình lập lại (tháng 7-1954), Cụ làm cán bộ ở Nha Giáo dục Phổ thông sau chuyển sang Ban Tu thư Bộ Giáo dục (Hà Nội). Cụ cùng một số người trong Ban Tu thư soạn thảo các sách giáo khoa văn sử các cấp theo chương trình mới và chỉnh lý lại một số cuốn văn học cổ điển như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ văn Trần Tế Xương v.v...
                    Tháng 2-1957 Cụ ở trong Ban phụ trách ngành Bảo tồn Bảo tàng thuộc Bộ Văn hoá. Cụ Xây dựng tủ sách Hán nôm, tủ Hồ sơ Di tích lịch sử và Danh nhân Đất nước như Di tích Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Quang Trung v.v... Thời kỳ này Cụ là một trong số học giả uyên bác và hiếm hoi về thơ văn Hán Nôm của nước ta.
                    Đến tháng 6-1963 Cụ đã 73 tuổi, dược về nghỉ hưu. Nhân dịp cơ quan liên hoan tiễn Cụ về hưu, Cụ có làm bài thơ như sau :
                                                  Xuân thu tính đã bảy mươi ba
                                                  Vui vẻ từ nay hưởng tuổi già.
                                                  An dưỡng ơn trên dào bổng lộc.
                                                  Liên hoan tình bạn đượm thi ca.
                                                  Trưởng thành mừng thấy đoàn con cháu.
                                                  Ưu ái không quên nghĩa nước nhà.
                                                  Những ước Bắc-Nam mau thống nhất,
                                                  Dạo xem đất nước thoả lòng ta.
                    Cụ mất năm Ất Mão ngày 1-10-1975 tại Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi.

Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Lời bàn phần 2 Đời hoạt động của Cụ Lê Thước

                                                     Lời bàn của ông Lê Văn Phần 2
                      1.- Với những kinh nghiệm làm ruộng và giúp đỡ gia đình hồi nhỏ cũng như hướng dẫn học sinh tham gia sản xuất ở trường Quốc học Vinh, Cụ đã tổ chức tốt phong trào Tăng gia sản xuất ở tỉnh Thanh Hoá, tạo được cuộc sống tạm ấm no cho hàng vạn đồng bào tản cư ở các tỉnh đồng bằng Băc bộ tránh giặc Pháp chạy vào Thanh Hoá.
                     2.- Lần đầu tiên tiếp xúc với phong trào Cộng sản VN, Cụ khâm phục sự hy sinh quên mình cứu nước của nhiều đảng viên nhưng Cụ không tán thành cuộc cách mạng vô sàn dựa vào công nông. Cụ xác định đứng trên lập trường nhân sỹ yêu nước hợp tác với CS để đánh đuồi thực dân Pháp.

Đời hoạt động của Cụ Lê Thước [ Phần 2 ]

  Tích cực tham gia cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp
                      Từ 1945 đến 1954 Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm làm Chủ tịch Uỷ ban Tăng gia Sản xuất tỉnh Thanh Hoá. Cụ đã cùng các vị trong Uỷ ban vận động nhân dân toản tỉnh dấy lên một cao trào tăng gia sản xuất để có đủ lương thực tiêu dùng và cung cấp cho cuộc kháng chiến cứu nước đến mức tối đa. Nhiều năm trường khi đi xe đạp, khi đi bộ dưới sự bắn phá và ném bom của máy bay địch, Cụ đích thân đến thăm và hướng dẫn cách làm ăn của đồng bào ở các trại tản cư như chăn nuôi, làm ruộng, kéo
sợi, dệt vải, đan áo v.v...
                      Năm 1946, được tin con trai cả của Cụ là anh Lê Thiệu Huy, cử nhân Toán-Lý-Hoá trường Đại học Đông Dương (Hà Nội) Tham mưu trưởng Liên quân Việt-Lào hy sinh ở Thakkhet ( Lào ), Cụ đã nén đau thương, làm tốt trách nhiệm được giao. Trong bài thơ khóc con, Cụ đã viết :
                                               Treo gương nghĩa liệt chung ba nước
                                               Uổng kiếp tài hoa mới nửa thời.
                                               Lai láng trời tây hồn cố quốc,
                                               Quân thù chưa diệt giận chưa nguôi.
                       Tháng 3-1951 Cụ được bầu vào Ban Chấp hành Uỷ ban  Mặt Trận Liên-Việt toàn quốc

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Lời bàn phần 1 đời hoạt động của cụ Lê Thước

                                  Lời bàn của ông Lê Văn [con trai Cụ Lê Thước ] về phần 1
                 Trong 3 năm ( từ 1908 đến 1911 ) bắt đầu việc học chữ Pháp rồi sau đó Cụ đã tốt nghiệp băng Thành Chung ( tương đương tốt nghiệp PTCS, lớp 9 ) được bổ trợ giáo  chứng tỏ Cụ có tư chất thông minh cực kỳ và có nỗ lực phi thưởng, rất hiếm  đối với tuổi trẻ mọi thời đại !
                Hoàn cảnh của Cụ thơi kỳ này là một trí thức của một đất nước bị Pháp chiếm đóng, có 3 con đường để Cụ chọn :
                1.- Hợp tác hay đúng hơn làm tay sai cho bọn Pháp. Sau khi đậu thi Hương xứ Nghệ Tĩnh chỉ cần Cụ vào Huế thi Đình đậu Tiến sỹ Cụ sẽ được làm quan Tổng Đốc hoặc Thượng Thư. Cụ đã không chọn con đưởng này . 
                2.- Dấn thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khòi ách xâm lược của thực dân Pháp. Cụ không đủ dũng khí chọn con đường này.
                3.- Dạy học, đào tạo thế hệ trẻ yêu nước, có tài để giúp nước. Cụ đã chọn con đường này và thành công. Rất nhiều học trò của Cụ đóng góp lớn cho công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng Đất Nước

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Đời hoạt động của cụ Lê Thước [ Phần 1 ]

Thời  niên thiếu và dạy học trong chế độ bảo hộ của Pháp
               Cụ Lê Thước sinh năm Tân Mão, ngày 13-4-1891, quê quán làng Trung Lễ, xã Đức Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
                Lúc nhỏ, nhà nghèo, thất học. Cụ phải đi chăn trâu, cắt co, giữ em và đánh ống đánh suốt giúp mẹ dệt vải kiếm ăn.
                Mãi đến năm 1905, Cụ 14 tuổi mới theo cha vào Huế học chữ Hán.  Năm 1908 Cụ bắt đầu học chữ Pháp ở trường Quốc Tử Giám Huế.  Năm 1910 Cụ thi đậu bằng tiểu học vả sau đó vào học trường Quốc Học Huế.  Cụ học giỏi,  một năm lên 2 lớp nên tháng 6-1911 Cụ đã tốt nghiệp bằng Thành Chung, đươc bổ trợ giáo, làm việc tại Nha học chính Trung Kỳ. Tháng 8-1917, Cụ xin đổi ra dạy học ở trường Phap Việt thành phố Vinh. Qua năm sau nhân ở Vinh có khoa thi hương, Cụ xin thi và đậu Thủ Khoa [ còn gọi là Giải Nguyên đứng đầu các cử nhân].
               Tháng 8-1918 Cụ được tuyển vào học trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương ở Hà Nội.
               Năm 1921 Cụ thi tốt nghiệp ra trường với bài luận văn được điểm cao nhất nhan đề : " L' Enseignement des caracteres chinois en Vietnam " ( Việc dạy chữ Hán ở Việt Nam ). Cụ được bổ giáo sư dạy Pháp văn, Việt văn và Việt sử ở trường Quốc học Vinh. Qua những bài dạy Việt văn và Việt sử, Cụ cố gắng khêu gợi tinh thần yêu nước của học sinh, khích lệ lòng tự hào dân tộc của họ. Cụ đã có ảnh hưởng lớn đến việc đào tạo nhiều cán bộ cao cấp sau này của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như các ông Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Xiển, Đặng Thái Mai, Hà Huy Giáp v.v...
                  Tháng 9-1927 Cụ đổi ra dạy tại trường Trung học Anbe Xa rô ở Hà Nội.     
                  Tháng 9-1935 Cụ là giáo sư trường Trung học Bưởi. Tháng 9-1938 Cụ được bổ làm Đốc học các trường ở thị xã Lạng Sơn. Cuối năm 1940 Cụ được chuyển về dạy ở trường Trung học Đào Duy Từ Thanh Hoá. Tháng 5-1943 Cụ bị bọn thực dân Pháp cách chức vì có lòng yêu nước.

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Liệt sỹ Lê Thiệu Huy


Liệt sỹ Lê Thiệu Huy, con trai cả của cụ Lê Thước,   

Cử nhân khoa học, tham mưu trưởng Liên Quân Việt Lào. 
Hy sinh tại Thakkhet Lào ngày 21/3/1946.

Chào mừng bạn đến với Blog của dòng họ Lê Thước

Cụ Lê Thước, Giải Nguyên, Giáo sư.
(1891-1975)
Nết ngoan học giỏi nếp nhà ta
Giữ lấy cho hay mới gọi là
Gương sáng trông vào Anh Cả đó
Lấy trung làm hiếu nước làm nhà
Các bạn có thể tìm thêm trang Web:
http://groups.google.com.vn/group/tinhlaclethuoc
để đọc đầy đủ các tư liệu về Giáo Sư, Giải Nguyên Lê Thước và về Liệt sỹ Lê Thiệu Huy ,Cử nhân khoa học [toán lý hoá], Tham mưu trưởng Liên Quân Việt Lào, hy sinh tại Thakkhet [ Lào ] ngày 21 - 3 - 1946